Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường với Dự án STEM “Nhà hóa học trẻ”: Cách làm mới trong giảng dạy STEM và tuyên truyền về bảo vệ môi trường

Thời gian: 03/09/2021 | 11:32

Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường với Dự án STEM “Nhà hóa học trẻ”: Cách làm mới trong giảng dạy STEM và tuyên truyền về bảo vệ môi trường

 

Nguyễn Việt Minh*, Nguyễn Thúy Liên*, Nguyễn Việt Anh (II)*, Trần Ngọc (Nicole)**, Trần Hoàng Lân*, Nguyễn Việt Anh (I)*

*- Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (IESE), Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

**- Tổ chức Cải thiện xã hội và chuyển đổi bền vững Châu Á (ASSIST)

 

Vấn đề môi trường rất cần có được sự chú ý nhiều hơn từ cộng đồng. Những thông tin về tình trạng và nguồn gốc ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, mỹ quan đô thị, tăng trưởng kinh tế cần được truyền tải tới các em học sinh ở các trường học. Bên cạnh những tiết học trên lớp mang nặng tính lý thuyết, phải học quá nhiều môn, các em cần có thêm thời gian tự học, khả năng liên kết các môn học với nhau, và nhất là cơ hội thực hành, liên hệ môn học trên lớp với thực tế cuộc sống.

Nhằm truyền tải những thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường cho các em học sinh dưới hình thức dễ hiểu, dễ tiếp cận, từ tháng 1/2021, Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (IESE), Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã phối hợp với Tập đoàn Hóa chất DOW của Mỹ và Tổ chức Cải thiện xã hội và chuyển đổi bền vững Châu Á (ASSIST) triển khai một dự án STEM mang tên “Nhà hóa học trẻ” cho các em học sinh Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phương pháp giảng dạy tích hợp STEM, nghĩa là Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), và Math (Toán học) dạy cho các em những kiến thức, kỹ năng về các lĩnh vực khác nhau. Các kiến thức của nhiều môn được liên kết với nhau, kết hợp cả lý thuyết với thực hành, giúp xoá nhoà ranh giới giữa trường học và thực tế bên ngoài. Các em học 1 bài, nhưng làm quen với việc nhìn nhận vấn đề theo nhiều hướng, từ đó lựa chọn được cách giải quyết vấn đề phù hợp nhất. STEM đang được áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Đức,… Hiểu rõ tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng, thổi bùng niềm đam mê khoa học trong giới trẻ đối với sự phát triển bền vững của quốc gia, dự án đã chọn STEM làm phương pháp thực hiện, bắt đầu tiếp cận từ các em học sinh Trung học cơ sở trong độ tuổi 14-15.

 

Các thành viên dự án & thầy trò THCS Bồ Đề

Các em học sinh hào hứng xác định các chỉ tiêu NO3-, NO2-, NH4+, PO43- có trong nước

Khác với những tiết học hàng ngày trên lớp, những tiết học của dự án đã tạo cơ hội cho học sinh được vừa học, vừa chơi. Sau khi giáo viên giới thiệu về các thành phần môi trường, những tác động của ô nhiễm môi trường đối với cuộc sống hàng ngày, các em được trực tiếp sử dụng bộ dụng cụ thí nghiệm EcoLab Box của dự án để phân tích các chỉ tiêu chất lượng nước của các nguồn nước ở ngay xung quanh các em, ví dụ như: nước máy của trường, nước thải đã qua xử lý sơ bộ, nước Hồ Tây,… Học sinh có thể tự so sánh kết quả phân tích với các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng nước của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận xét và đưa ra kết luận về độ an toàn của các nguồn nước. Các em còn được hướng dẫn các thí nghiệm vui liên quan đến môi trường không khí, đất, nước. Các thí nghiệm vui này, các em có thể tự làm tại nhà. Mỗi thí nghiệm đều đi kèm với những kiến thức thực tế về môi trường vô cùng bổ ích, từ đó giúp các em liên hệ tầm quan trọng của khoa học đối với môi trường, và đối với cuộc sống của chính mình.

Phân tích chất lượng nước hồ để xác định mức độ ô nhiễm

Trải nghiệm được tự làm cột lọc nước sinh hoạt mini thực sự mang lại hứng thú

Một số hình ảnh trong cuốn tài liệu EcoLab Box, DOW của Dự án

       

Không chỉ mới lạ về nội dung, phương pháp giảng dạy của dự án cũng vô cùng hiệu quả. Dự án được triển khai theo mô hình Training of Trainers – ToT, huấn luyện cho người giảng dạy. Các chuyên gia của IESE có những buổi tập huấn với giáo viên dạy Hóa của mỗi trường, những người sau đó lại trực tiếp giảng dạy cho học sinh với sự hỗ trợ của các thành viên dự án. ToT vừa giúp các em học sinh dễ tiếp thu các bài giảng từ chính các giáo viên của mình, vừa tạo điều kiện để giáo viên tự phát triển nội dung bài giảng, dựa trên cuốn tài liệu đi kèm với bộ dụng cụ thí nghiệm do cán bộ dự án biên soạn, tổ chức thêm những tiết học, và truyền đạt kiến thức đến với nhiều học sinh hơn.

Với cách tiếp cận thông minh và ý nghĩa to lớn, dự án đã được giáo viên và các em học sinh vô cùng đón nhận. Bước đầu, Dự án đã tổ chức thành công tại các trường THCS Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội), Mai Dịch (Mai Dịch, Hà Nội) và Mạc Đĩnh Chi (Tây Hồ, Hà Nội). Sau thời gian giãn cách do dịch COVID-19, Dự án sẽ tiếp tục triển khai ở hơn 10 trường THCS trên toàn địa bàn Thành phố Hà Nội.

Được phỏng vấn sau tiết học của Dự án, một em học sinh ở trường THCS Bồ Đề đã nói: “Em rất mong muốn các tiết học đều được trực tiếp tham gia như thế này, vì nó giúp em cảm nhận được rõ ràng hơn lợi ích thực tế của những kiến thức được học trên lớp”.

Các thành viên dự án trao đổi với các giáo viên về phương pháp giảng dạy

Các thành viên dự án và thầy trò THCS Mạc Đĩnh Chi

Học sinh so sánh kết quả phân tích với Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về chất lượng nước thải, nước sinh hoạt

Trao đổi giữa giảng viên của IESE với các giáo viên trường THCS theo mô hình ToT

     

 

Các giáo viên cũng tích cực hưởng ứng dự án, và đều đồng ý sẽ tiếp tục mô hình dạy và học này vào các tiết học tương lai. Thầy Tuấn, trường THCS Mạc Đĩnh Chi cho biết: “Đây là 1 dự án khoa học vô cùng bổ ích và thực tế. Nhà trường rất may mắn khi dự án đã được tổ chức ở đây. Đây là một cơ hội tốt để trường có thể mở ra những hướng đi mới, dẫn dắt các em học sinh đến một tương lai sáng lạn”.

Được học những kiến thức rất gần gũi với đời sống dưới các hình thức sống động, tự làm các thí nghiệm STEM, các em học sinh có hứng thú, quan tâm hơn với môi trường, tiếp thu một cách hiệu quả bài học. Các em từ đó cũng có thể thành lập các nhóm hay câu lạc bộ khoa học, phát huy sáng tạo và áp dụng vào đời sống thực tiễn. Tạo cảm hứng và động lực cho thế hệ trẻ, dự án gặt hái được thành công trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của các em về bảo vệ môi trường sống xung quanh mình. Hành động ngay từ bây giờ, giáo dục cho thế hệ trẻ những điều cần thiết, bằng những phương pháp giảng dạy mới thú vị, dễ tiếp thu, gia đình, nhà trường và cả cộng đồng cần chung tay góp sức, vì một cuộc sống xanh, sạch, đẹp cho các thế hệ tương lai./.

(Hà Nội, 2/9/2021)

 

qc
qc2
qc3
vietwater
Đang online: 19
Trong ngày: 112
Tổng truy cập: 4833287