Cấp nước uống trực tiếp, an toàn cho cán bộ và sinh viên Trường Đại học Xây dựng

Thời gian: 21/08/2015 | 13:58

Để đánh giá công nghệ, đồng thời để đáp ứng nhu cầu nước uống trong mùa hè nóng nực cho cán bộ và sinh viên Trường Đại học Xây dựng, một hệ thống pilot xử lý nước mưa thành nước uống trực tiếp, công suất 5m3/h, đã được lắp đặt tại sảnh tầng 1 Nhà Thí nghiệm Trường ĐHXD và đang hoạt động rất hiệu quả.

   

Hình 1. Hệ thống xử lý nước mưa thành nước uống trực tiếp

Nước mưa được thu gom từ mái Nhà thí nghiệm, đi qua bể tách nước mưa đợt đầu, vào bể chứa 50m3. Hệ thống xử lý gồm lõi lọc sơ cấp, màng vi lọc kích thước khe rỗng 0,1 micromet, khử trùng hai bậc bằng Ozone mật độ cao và đèn tia cực tím UV, cho phép loại bỏ hết cặn lơ lửng, các chất hữu cơ, kim loại nặng, tiêu diệt toàn bộ các vi sinh vật gây bệnh. Sau khi làm mát, nước uống miễn phí được cấp qua các vòi tự động ở sảnh Nhà thí nghiệm.

Kể từ khi khánh thành (27/3/2015) đến nay, hệ thống đã hoạt động liên tục 24/24h. Nhóm GV và SV NCKH của Viện KHKTMT thường xuyên theo dõi, hiệu chỉnh, bảo trì, đánh giá hoạt động của hệ thống.

Hình 2. Sinh viên sử dụng nước uống trực tiếp, xử lý từ nước mưa
(Ảnh chụp từ camera giám sát hệ thống H.O.P.S)

Trung bình, mỗi ngày có khoảng 1000-2000 lượt cán bộ, nhất là các bạn SV, sử dụng vòi nước uống. Đặc biệt, vào những đợt nắng nóng cuối tháng 5, đầu tháng 6/2015, có 4000-5000 lượt sinh viên sử dụng nước mỗi ngày. Chi phí vận hành hệ thống trung bình 1,2 triệu đồng/tháng (chủ yếu là tiền điện cho xử lý nước, bơm và làm mát nước, điện chiếu sáng).

Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước mưa sau xử lý, nhóm nghiên cứu thường xuyên kiểm tra, bảo trì hệ thống, dọn vệ sinh, tiến hành lấy mẫu và phân tích các chỉ tiêu hóa, lý, vi sinh vật. Mẫu nước được phân tích tại PTN của Viện KHKTMT, đồng thời được đánh giá đối chứng tại một PTN có năng lực ở bên ngoài (Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế). Cho đến nay, sau 3 tháng vận hành liên tục, tất cả các chỉ tiêu chất lượng nước của các mẫu sau xử lý đều đạt Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT.

Hình 3. Sinh viên lấy nước uống trực tiếp từ hệ thống H.O.P.S

Những kết quả bước đầu qua 3 tháng vận hành thử nghiệm cho thấy hệ thống H.O.P.S vận hành ổn định, chất lượng nước luôn đảm bảo yêu cầu. Dòng nước mưa trong lành, uống trực tiếp, vừa an toàn, vừa ngon và mát, thực sự đã đóng góp phần nào làm vơi cơn khát trong mùa hè nóng nực, giảm bớt nỗi mệt nhọc và đỡ tiền mua nước uống của thầy và trò Trường ĐHXD. Việc sử dụng nước mưa uống trực tiếp đã trở thành một thói quen hành ngày của nhiều bạn sinh viên. Bạn Vũ Nhân Hòa, sinh viên lớp 58MNE cho biết: “Kể từ khi có hệ thống xử lý nước mưa thành nước uống trực tiếp, ngày nào em cũng ra đây lấy nước để uống. Em rất thích uống nước này, nó rất ngon và mát”. “Mỗi lần em đi qua Nhà Thí nghiệm, em đều ghé vào để uống nước. Nhà em ở gần trường nên ngày nào em cũng lấy thêm 5 lít nước về nhà để uống”, bạn Nguyễn Đức Mạnh, sinh viên lớp 57CD5 chia sẻ.

Để hệ thống H.O.P.S làm việc ổn định, phục vụ lâu dài cho cán bộ và sinh viên trường Đại học Xây dựng, bên cạnh những cố gắng của Viện KHKTMT và các đối tác trong vận hành, bảo dưỡng, chăm sóc hệ thống này, nhóm nghiên cứu cũng mong muốn các bạn SV chung tay bảo vệ, giữ gìn hệ thống. Dịp mùa hè nóng bức, với hàng ngàn lượt người sử dụng nước uống trực tiếp mỗi ngày, nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm như cúm, đường ruột, đau mắt đỏ, ... là rất dễ xảy ra, vì vậy, mỗi người chúng ta cần giữ vệ sinh chung, dùng cốc, chai đựng nước riêng để phòng ngừa phơi nhiễm mầm bệnh.

Trong bối cảnh hiện nay, khi tài nguyên nước ngầm, nước mặt đang ngày càng bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, việc tìm kiếm nguồn nước thay thế là rất cần thiết. Nghiên cứu, phát triển và nhân rộng các hệ thống thu gom, xử lý, sử dụng nước mưa phù hợp, cung cấp cho các khu vực dân cư đô thị và nông thôn, là một mô hình tốt. Việc thu gom nước mưa trong đô thị còn góp phần làm giảm thiểu úng ngập một cách hiệu quả và bền vững. Đây cũng chính là thông điệp mà nhóm nghiên cứu Viện KHKTMT, trường ĐHXD và các đối tác muốn gửi tới các bạn SV trường ĐHXD.

PGS. TS. Nguyễn Việt Anh, KS. Đinh Viết Cường, ThS. Đào Anh Dũng
Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Trường ĐHXD