Hội nghị Quốc tế lần thứ 3 về quản lý bùn thải từ các công trình vệ sinh (FSM3) tại Hà Nội, 19-23/1/2015

Thời gian: 11/08/2015 | 15:26

PGS. TS. Nguyễn Việt Anh, TS. Phạm Tuấn Hùng, TS. Trần Thị Việt Nga,
Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (IESE), trường Đại học Xây dựng Hà Nội
E-mail: vietanhctn@gmail.com.

Theo số liệu thống kê gần đây, trên thế giới có khoảng 2,5 tỷ người sử dụng các công trình vệ sinh tại chỗ và không có điều kiện tiếp cận đến hệ thống thoát nước tập trung; 1,1 tỷ người còn không có điều kiện tiếp cận dịch vụ vệ sinh; Nhiều dự án ở các nước đang phát triển và kể cả ở Việt Nam chỉ tập trung vào việc xây dựng mạng lưới thu gom, nhà máy xử lý nước thải mà chưa quan tâm đến công tác đấu nối, thu gom, vận chuyển và xử lý bùn cặn từ các công trình vệ sinh mà đây là nơi phát sinh chất thải chứa nhiều chất ô nhiễm, nhiều mầm bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người cũng như hủy hoại môi trường. Việc quản lý bùn thải từ các công trình vệ sinh ở nước ta, cũng như ở nhiều nước đang phát triển khác trên thế giới, còn rất nhiều bất cập. Ở nhiều nơi còn quan niệm các công trình vệ sinh tại chỗ chỉ là giải pháp nhất thời, và có thể được thay thế trong thời gian tới bằng các hệ thống thoát nước và xử lý tập trung. Trên thực tế, các công trình vệ sinh này đã, đang và sẽ còn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thoát nước ở đô thị và nông thôn, và ở nhiều trường hợp sẽ còn tồn tại như một thành phần không thể bỏ qua, cùng với hệ thống thu gom và xử lý nước thải của khu dân cư. Bùn thải từ các công trình vệ sinh này cần được quản lý đúng cách, nếu không, đây là nguồn ô nhiễm môi trường, lây lan bệnh tật cho cộng đồng.

 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Cao Lại Quang phát biểu khai mạc Hội nghị

PGS. TS. Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội nghị

PGS. TS. Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện KHKT Môi trường, ĐHXD trình bày báo cáo đề dẫn

Báo cáo đề dẫn của bà Almud Weitz, Giám đốc khu vực Châu Á – TBD, Chương trình Nước và Vệ sinh (WSP), Ngân hàng Thế giới

 

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý bùn thải từ các công trình vệ sinh ở đô thị và nông thôn, Hiệp hội Nước quốc tế (IWA) phối hợp với các đối tác đã hình thành một xu hướng nghiên cứu chuyên sâu về quản lý bùn thải từ các công trình vệ sinh (Faecal sludge management, viết tắt là FSM), thu hút đông đảo các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh cũng như nhiều nhà quản lý, các tổ chức quốc tế tham gia. Năm 2011 và 2012, IWA và các đối tác đã tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 1 và thứ 2 về Quản lý bùn thải từ các công trình vệ sinh (FSM2) tại Nam Phi. Cả 2 hội nghị đã được tổ chức rất thành công, với tổng số 320 đại biểu tham gia, do Quỹ Bill & Melinda Gates là nhà tài trợ chính. Các đại biểu cũng đã nhất trí rằng, Hội nghị quốc tế lần thứ 3 cần được tổ chức ở châu Á, với lý do FSM là vấn đề quan tâm của toàn cầu.

Hiệp hội nước quốc tế (IWA), cùng với Tổ chức Sáng kiến Thành phố Thông thái (World Smart Capital Initiative – WSCI), Bộ Xây dựng, Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA), Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (IESE), trường Đại học Xây dựng Hà Nội và một số cơ quan khác đã phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về "Quản lý bùn thải từ các công trình vệ sinh - FSM3” tại Hà Nội, từ 19 đến 23 tháng 01 năm 2015. Chủ đề của Hội nghị là: Đổi mới quản lý bùn thải từ các công trình vệ sinh – hiện thực hóa tiếp cận vệ sinh.

                Các đối tác chiến lược của Hội nghị bao gồm: Ngân hàng phát triển châu Á (ADB); Chương trình Nước và Vệ sinh (WSP), Ngân hàng Thế giới; Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ); Quỹ Bill & Melinda Gates (BMGF); Diễn đàn hợp tác về Vệ sinh bền vững SuSanA; vv...

                Hội nghị FSM3 đã diễn ra với sự tham dự của 650 đại biểu đến từ 55 nước và 100 đại biểu Việt Nam. Ban chuyên môn đã chọn ra 175 báo cáo cáo chất lượng để trình bày tại Hội nghị. Các phiên họp chính của hôi nghị về nhiều chủ đề liên quan đến quản lý phân bùn bể tự hoại, bao gồm: (1) Tạo điều kiện cho FSM: khung thể chế, chính sách, văn bản pháp quy; (2) FSM quy mô đô thị: FSM là một nội dung của quy hoạch vệ sinh đô thị tổng thể và hệ thống hỗ trợ ra quyết định; (3) FSM từ góc độ doanh nghiệp: tính khả thi của thương mại hóa, các mô hình tài chính, đảm bảo thu hồi chi phí; (4) Các công nghệ mới trong hút, thu gom, vận chuyển bùn thải từ các công trình vệ sinh, định tính và định lượng bùn thải; (5) Đảm bảo dịch vụ FSM bền vững: tổ chức, mô hình quản lý, ký hợp đồng dịch vụ, các công nghệ xử lý mới, đồng xử lý với chất thải rắn, chỉ số vận hành, vận hành và bảo dưỡng; (6) Thu hồi tài nguyên tối đa: nâng cao hiệu quả thu hồi và sử dụng các sản phẩm cuối (năng lượng, dinh dưỡng, nước); (7) Các rủi ro về sức khỏe và môi trường trong FSM: đánh giá tác động và giảm thiểu các tác động sức khỏe, môi trường; (8) Các khía cạnh văn hóa – xã hội của vệ sinh tại chỗ: các yếu tố xã hội, tiếp thị xã hội, hỗ trợ FSM.

FSM đã tập trung thảo luận về các vấn đề sau: (1) Các kết quả mới nhất về Thu gom- Xử lý - Tái sử dụng - Thu hồi tài nguyên từ phân bùn ở các quy mô công nghệ và mô hình quản lý khác nhau như quy mô tại chỗ, hệ thống bán tập trung và tâp trung; công nghệ hiện đại nhưng chi phí cao và công nghệ chi phí thấp thân thiện môi trường...; (2) Các nghiên cứu, đặc biệt các nghiên cứu liên quốc gia, liên vùng về đặc tính bùn cặn và sự thích hợp về công nghệ Xử lý-Tái sử dụng- Thu hồi tài nguyên. Đặc biệt, chưa bao giờ việc đánh giá rủi ro về sức khỏe đối với người lao động và cộng đồng được chú trọng như tại Hội nghị FSM3; (3) Hội nghị hướng tới việc đưa những thông tin về FSM gần hơn tới các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các cơ quan và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ vệ sinh, nhằm truyền tải các thông tin rằng có những giải pháp FSM phù hợp, đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường và hiệu quả kinh tế, cho phép khắc phục được những tồn tại hiện hữu ở nhiều khu vực đô thị ở khắp nói trên thế giới.  Các kinh nghiệm thực tế về các mô hình kinh doanh và  cơ chế tài chính phù hợp trong FSM đã được chia sẻ. Các đại biểu rất quan tâm đến các thành tựu phát triển công nghệ, cơ chế chính sách và tài chính cho FSM phù hợp.

 

Thảo luận tại Hội nghị

Thảo luận tại Hội nghị

Ban tổ chức Hội nghị phía Việt Nam

FSM3 lôi cuốn 750 đại biểu tham dự

 

 

Trong ngày 22/1, có 4 nhóm Hội thảo chuyên đề và tập huấn tăng cường năng lực được tổ chức. Cũng trong ngày 22 và 23/1/2015, đã diễn ra các chuyến tham quan thực địa tại các công trình xử lý bùn thải ở Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long, với hơn 100 đại biểu quốc tế tham dự.

Các thông điệp chính được truyền tải từ Hội nghị quôc tế FSM3:

  1. Các giải pháp kỹ thuật về FSM ở các hình thức đa dạng khác nhau như công nghệ (Xử lý -Tái sử dụng - Thu hồi tài nguyên từ phân bùn), hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế, vận hành và quản lý công trình bùn cặn, các công cụ quản lý  đã được chia sẻ ở các phiên họp chính của hội nghị. Các giải pháp kỹ thuật và quản lý được chia sẻ tại Hội nghị, bao gồm mọi nội dung kỹ thuật và công nghệ như hệ thống xử lý quy mô bán phân tán, tập trung, các công nghệ chi phí thấp phù hợp.
  2. Các giải pháp FSM này cần  phù hợp về điều kiện tự nhiên, kinh tế, kỹ thuật và cả văn hóa với từng địa phương và cần phải có sự tham gia của các bên liên quan từ giai đoạn quy hoạch kết hợp với các chương trình nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân.
  3. Cơ quan quản lý địa phương là nhân tố quan trọng đảm bảo cho việc quản lý phân bùn bền vững, tuy nhiên cần có sự hỗ trợ của tầm quốc gia cũng như khu vực về các hướng dẫn trong chính sách và kỹ thuật, hỗ trợ tài chính và cũng như các hướng dẫn về các công cụ thực hiện FSM và năng lực thể chế.
  1. Xử lý - Tái sử dụng - Thu hồi các nguồn tài nguyên từ phân bùn là khả thi và có tiềm năng lớn, tuy nhiên các trường hợp thành công vẫn còn ở quy mô nhỏ và cho một số trường hợp điển hình cụ thể, các cơ hội phát triển kinh doanh. Trước khi quyết định về chiến lược  quản lý và thực thi, thì việc đánh giá các tác động và các yếu tố ảnh hưởng khác như thị trường  tài chính, các cách tiếp cận thuận lợi với công nghệ và các hỗ trợ về xây dựng các văn bản quy định, cơ chế thể chế phù hợp nhằm hỗ trợ và khuyến khích việc áp dụng các công nghệ, và các nguy cơ rủi ro tới môi trường và xã hội là rất cần thiết.
  1. Khối tư nhân đóng vai trò rất quan trọng trong FSM. Việc nghiên cứu, đề xuất và áp dụng một cách hợp lý các mô hình và cơ chế kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng. Việc xây dựng các quỹ đầu tư cho công tác FSM cần được nghiêm túc nghiên cứu. Cần có những thay đổi và điều chỉnh về chính sách và quy định của Nhà nước, để thúc đẩy hoạt động Xử lý -Tái sử dụng - Thu hồi tài nguyên, với sự tham gia của tư nhân.
  2. Việc nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương để có thể xây dựng được  kế hoạch cung cấp dịch vụ hợp lý và quản lý hạ tầng và lựa chọn công nghệ thích hợp là nhu cầu cấp bách.
  1. Cần chú trọng và đầu tư phát triển cả về chất và lượng hệ thống cơ sở dữ liệu về phân bùn ở các quy mô (địa phương, bộ, ngành). Việc tiêu chuẩn hóa cách thức lấy mẫu, phân tích mẫu và phân tích kết quản sẽ giúp công tác đánh giá hiện trạng và đề xuất xây dựng các giải pháp sẽ phù hợp và có ý nghĩa lớn. Cần từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến FS. Các bể tự hoại hộ gia đình cần phải được đăng ký và quản lý chặt chẽ từ khâu khảo sát, thiết kế, xây dựng và vận hành cũng như thông hút bùn định kỳ.
  1. Cần xây dựng mô hình thu gom, mức độ xử lý, cơ chế tài chính, sự phát triển thị trường phù hợp với các quy mô đô thị khác nhau để đảm bảo FSM bền vững.
  2. Cần cân nhắc sự liên quan mật thiết của FSM với quản lý nước thải, bùn cặn, chất thải rắn đô thị.

Đại diện lãnh đạo Công ty Thoát nước Hải Phòng tham luận tại Hội nghị

Thảo luận tại Hội nghị

TS. Doulaye Kone, Quỹ Bill & Melinda Gates

Phiên bế mạc, Hội nghị FSM3

 

Đặc biệt, các đại biểu quốc tế rất quan tâm đến vấn đề FSM tại Việt Nam, đây là sự ghi nhận những đóng góp lớn của Việt Nam trong các nghiên cứu liên quan đến mọi khía cạnh của FSM trong những năm qua. Một trong những điểm nhấn của Hội nghị FSM3 chính là Hội thảo “Tiêu điểm cho Việt Nam”, tổ chức vào ngày 21/1. Với tâm điểm là quản lý phân bùn tại Việt Nam, 25 bài báo khoa học đã được công bố tại Hội thảo, 13 trong số đó được các tác giả là các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các nhà khoa học trực tiếp trình bày và trao đổi. Các cử tọa đã được nghe các báo cáo về những vấn đề mấu chốt trong công tác quản lý bùn thải, đặc biệt là phân bùn trong bối cảnh Việt Nam, bao gồm: hiện trạng quản lý; công nghệ xử lý, các kết quả nghiên cứu mới nhất; chính sách, thể chế, tài chính, xã hội hóa; các bài học, kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, các đại biểu đã được đón nhận những lời khuyên từ các chuyên gia hàng đầu của quốc tế dành riêng cho hoạt động FSM ở Việt Nam, được đúc rút từ các tiểu ban của Hội nghị. Nội dung các báo cáo và thảo luận đã chỉ ra rằng:

  1. Với hiện trạng thoát nước/xử lý nước thải tại Việt Nam, bể tự hoại sẽ vẫn còn tồn tại trong nhiều thập kỷ nữa, nên quản lý phân bùn sẽ luôn là vấn đề nóng hổi;
  2. Cần áp dụng lối tiếp cận quản lý đồng bộ nước thải, chất thải rắn, bùn thải trong việc xây dựng các văn bản pháp lý, kỹ thuật cũng như xây dựng quy hoạch các đô thị, quy hoạch vùng;
  3. Chính quyền địa phương phải đóng vai trò chủ đạo trong công tác xây dựng, triển khai các mô hình quản lý bùn thải phù hợp với địa bàn của mình;
  4. Hiện nay, kinh phí cho việc quản lý bùn thải tại Việt Nam được đầu tư và vận hành từ nguồn ngân sách, chính vì vậy nhà nước cần xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách, cơ chế tài chính để từng bước đạt được thu hồi chi phí, và tiến tới hình thành thị trường quản lý bùn thải lôi kéo mọi nguồn lực nhất là khối tư nhân tham gia;
  5. Tiềm năng thu hồi tài nguyên, tái sử dụng bùn thải là rất lớn, cần chú trọng nghiên cứu ứng dụng/triển khai công nghệ phù hợp để xử lý và tận dụng hiệu quả bùn thải, đồng thời xây dựng các chính sách khuyến khích tái sử dung. Đây cũng chính là điểm thu hút các nhà đầu tư tư nhân;
  6. Đào tạo, tăng cường năng lực cho đội ngũ chuyên môn của các bên tham gia, nâng cao nhận thức của cộng đồng cần được đặc biệt quan tâm vì đây chính là chìa khóa đảm bảo quản lý bền vững bùn thải.

Việc tổ chức Hội nghị quốc tế FSM3 được diễn ra đúng vào thời điểm Chính phủ vừa ban hành Nghị định 80:2014/NĐ-CP về Thoát nước, và Bộ Xây dựng đang khẩn trương soạn thảo các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này, trong đó, quản lý bùn thải từ các công trình vệ sinh là một trong những nội dung mới, được đưa vào Nghị định và Thông tư hướng dẫn. Phối hợp tổ chức Hội nghị, trực tiếp tham gia các hoạt động tại Hội nghị, tham khảo kinh nghiệm của các nước trong khu vực và Thế giới về FSM là một sơ hội tốt để Bộ Xây dựng hoàn thiện các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 80:2014/NĐ-CP, đồng thời nhanh chóng đưa những nội dung của Nghị định và Thông tư vào cuộc sống, góp phần đắc lực cho các hoạt động quản lý Nhà nước về kỹ thuật hạ tầng đô thị và nông thôn, quản lý nước thải, chất thải rắn, bùn thải, cũng như góp phần thúc đẩy các hoạt động cải thiện cơ sở hạ tầng, kiểm soát ô nhiễm một cách hiệu quả và bền vững. Đồng tổ chức một Hội nghị quốc tế lớn về lĩnh vực cấp thoát nước, kỹ thuật hạ tầng và môi trường cũng là cơ hội để nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam nói chung, của ngành xây dựng, đặc biệt là xây dựng cấp thoát nước và kỹ thuật hạ tầng nói riêng, tạo tiền đề cho những hợp tác mới trong lĩnh vực này.

Với công tác tổ chức chuyên nghiệp, chu đáo, khoa học, sự quan tâm và tham gia tích cực của cơ quan quản lý nhà nước, các bên liên quan, trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam ngày càng khẳng định mình là một quốc gia luôn nỗ lực hướng tới phát triển xanh và bền vững.

Hội nghị quốc tế FSM3 (Hà Nội, 19-23/1/2015) đã thành công tốt đẹp

qc
qc2
qc3
vietwater
Đang online: 5
Trong ngày: 2278
Tổng truy cập: 4820033